Đền Cửa Ông – Ngôi Đền Đẹp Nhất Vùng Đông Bắc Có Giá Trị To Lớn Về Lịch Sử, Văn Hóa

– Đền Cửa Ông: đền nằm trên địa bàn phường Cửa Ông nên được gọi là đền Cửa Ông. Trong thời kỳ chống quân Nguyên, Trần Quốc Tảng được giao trấn thủ cửa biển Đông, sau khi ông mất nhân dân lập đền thờ, từ đó nhân dân và thuyền bè Bắc Nam qua lại cũng như quan quân chinh phạt đi qua cầu đảo đều linh ứng, do đó đền còn có tên gọi khác là “Đông Hải linh từ”. Nhân dân kính trọng và vinh danh ông là Đức Ông nên đền còn có tên gọi khác là đền Đức Ông.

Đền Cửa Ông chia làm 3 khu vực thờ cúng đó là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng bởi các khu đền này nằm theo một trục từ thấp lên cao. Dưới cùng là đền Hạ, ở giữa là đền Trung, trên cùng là đền Thượng. Các vị thần được sắp xếp thờ cúng tại khu vực đền Hạ, đền Trung, đền Thượng cũng có ngôi vị, tầm quan trọng cao thấp tương ứng với tên gọi của đền.

Di tích đền Cửa Ông nằm trên dãy núi Cẩm Sơn, trên một địa thế phong thủy đắc địa, mặt hướng hải, tả thanh long, hữu bạch hổ, phía sau tựa núi tạo thành thế vững chắc cho cả công trình. Toàn bộ di tích đền Cửa Ông gồm 3 khu vực thờ tự: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Ta có thể hình dung tổng thể toàn bộ di tích đền Cửa Ông như sau:

Từ quốc lộ 18A, phía bên trái là Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả, phía bên phải là Cảng than Cửa Ông và phân xưởng Vận tải thuộc Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV, ta đi qua một đường tàu vào một con đường trải nhựa bên tay trái là khu vực khuôn viên cây xanh đền Cửa Ông, tại đây có tấm bia khắc chữ viết về nhân vật lịch sử Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, phía sau là một bức phù điêu bằng đá, khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, cây cảnh đẹp mắt. Đi tiếp qua khuôn viên này khoảng 300m ta đến đền Cửa Ông, đầu tiên là một cổng Nghi môn được xây mới rộng khoảng 12 m, được đắp, vẽ theo kiểu nghi môn truyền thống. Đi qua Nghi môn vào trong một khoảng sân rộng được lát đá. Bên tay phải là khu vực nhà vệ sinh cho khách du lịch, bên tay trái là khu vực đền Hạ. Đi qua khoảng sân rộng lên cao lưng trừng là khu vực đền Trung, phía sau đền Trung trên vị trí cao nhất là đền Thượng. Hai bên đền Trung và đền Thượng là hai gò đồi cao tạo thế tả thanh long, hữu bạch bổ, trên các gò đồi được trồng cây xanh, thảm cỏ trang trí. Trên đỉnh gò đồi bên phải là nơi đặt tượng Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Toàn bộ sân, bậc cấp và lan can lên xuống từ đền Hạ đến đền Trung và đền Thượng đều được làm bằng đá xanh, tạo sự thống nhất, hài hòa, bề thế cho cả khu vực di tích.

Đền cửa Ông Quảng Ninh

Không những nổi tiếng linh thiêng bậc nhất Việt Nam mà Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông còn có gía trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khoa học, thẩm mỹ:

  1. Giá trị lịch sử:Khu di tích đền Cửa Ông mang biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, biểu tượng đó được thể hiện bằng sự tôn vinh các nhân vật lịch sử – anh hùng dân tộc thời nhà Trần đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, đó là Trần Quốc Tảng, Đức ông Hoàng Cần và các tướng lĩnh nhà Trần. Biểu tượng đó còn được thể hiện qua nghi thức đám rước Đức Ông với hàng ngàn người tham gia tại lễ hội đền Cửa Ông. Đám rước như một cuộc diễu hành thể hiện sức mạnh của cộng đồng. Đám rước là sự biểu tượng hóa một cuộc tuần du, một cuộc hành quân đi đánh giặc ở vùng biên ải Tổ quốc, bảo vệ đất nước, giữ yên cuộc sống thanh bình. Không chỉ vậy, quá trình khởi dựng, tồn tại và phát triển của đền Cửa Ông là những dấu son lịch sử làm rõ hơn cho quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của khu vực Cửa Suốt (cụ thể là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả và xã Đông Xá, huyện Vân Đồn). Các thần tích, thần sắc, sắc phong cho các vị thần còn được lưu giữ tại đền Cửa Ông trở thành kho tư liệu lịch sử quý giá cho các thế hệ con cháu chúng ta tìm hiểu về quá trình dựng nước và giữ nước của triều Trần.

Kiến trúc độc đáo của đền cửa Ông

Khu di tích đền Cửa Ông mặc dù trải qua các cuộc chiến tranh và thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn bảo lưu được nhiều pho tượng cổ có niên đại từ thế kỷ 19. Bức Tam quan nội vào đền Mẫu (khu đền Hạ), các bức đắp giả Tam quan bên hồi đền Thượng với các đề tài trang trí tứ linh, tứ quý, đỉnh, lọ hoa, đường nét hoa văn tỷ mỉ, cầu kỳ… qua đó phản ánh hiện thực về nguồn gốc lịch sử cũng như quá trình tồn tại của Khu di tích và sự kế thừa, phát huy những tinh hoa nghệ thuật của thời đại sau đối với thời đại trước.

  1. Giá trị văn hóa:Qua hệ thống thờ tự tại Khu di tích đền Cửa Ông thể hiện nét văn hóa truyền thống đó là tục thờ cúng tổ tiên theo truyền thuyết con rồng cháu tiên của dân tộc Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục các thế hệ sau về truyền thống dòng máu lạc hồng, uống nước nhớ nguồn và chinh phục biển đảo của ông cha ta.

Lễ hội Đền Cửa Ông, một sản phẩm văn hóa đặc sắc mang tính chất truyền thống và quần chúng của cả một vùng đã sớm xuất hiện và phát triển ngày một phong phú và hấp dẫn.Lễ hội đền Cửa Ông ngày nay cũng giống như rất nhiều lễ hội truyền thống của mọi miền đất nước có xuất xứ từ hội làng. Khởi thủy của lễ hội có thể là các nghi lễ ngư nghiệp, trải qua thời gian dài của lịch sử, nó được tích hợp nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử và có diện mạo như ngày nay và trở thành biểu tượng văn hóa tinh thần của nhân dân phường Cửa Ông nói riêng và thành phố Cẩm Phả nói chung.

Qua Lễ hội thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Việt đó là luôn tự hào và hướng về cội nguồn – vùng đất, gắn với những nhân vật lịch sử đã “hóa thần”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Những nét văn hóa đẹp, truyền thống đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân và được thể hiện qua việc xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích đền Cửa Ông và hoạt động tổ chức lễ hội hàng năm. Có lẽ, chính vì thế mà lễ hội đền Cửa Ông gắn với những cuộc hành hương của nhân dân trong tỉnh và du khách trên mọi miền Tổ quốc. Họ không chỉ đến trong ngày hội mà còn đến để vãn cảnh, thắp hương tưởng nhớ các vị thần, anh hùng dân tộc.

Lễ hội đền Cửa Ông như một bảo tàng sống động với nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống,… mỗi lần lễ hội là dịp để mọi người có thể tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, cũng là dịp có thể ôn lại, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Với những giá trị tiêu biểu, đặc biệt Lễ hội Đền Cửa Ông đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ – BVHTTDL ngày 21/11/2016.

  1. Giá trị khoa học: Gần đây nó đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu khoa học xã hội. Địa phương và Trung ương, Di tích đã góp phần vào công việc nghiên cứu sáng tỏ thêm vai trò lịch sử của một số nhân vật lịch sử đời Trần mà đặc biệt là Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng. Di tích cũng là điểm đến của các nhà khoa học để nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc của các thời kỳ.
  2. Giá trị thẩm mỹ: Khu di tích đền Cửa Ông mang giá trị thẩm mỹ to lớn thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tượng, các bộ vì, các bức cốn, hoành phi, câu đối… Dù trải qua những thăng trầm lịch sử nhưng Khu di tích đền Cửa Ông còn bảo lưu được nhiều pho tượng cổ, các bức tường hồi, tam quan của các thời kỳ trước với nghệ thuật đắp nổi các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá cách điệu mềm mại, tỷ mỷ. Chạm khắc trên các bộ vì khu di tích đền Cửa Ông thể hiện sự phong phú về đề tài, công phu, tỉ mỉ, sắc sảo về đường nét và sống động về hình thể, đồng thời mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của thời đại khởi dựng và trùng tu, sửa chữa. Các bức cuốn thư, cửa võng, vách ngăn đều được sử dụng các kỹ thuật chạm thủng, chạm bong kênh, chạm lộng rồng, phượng, hạc, hoa lá cách điệu… Đó chính là những giá trị nghệ thuật rất quý giá còn được bảo lưu tại Khu di tích đền Cửa Ông.

Với hệ thống tượng thờ phong phú, mỗi pho tượng đều mang những phong cách chạm khắc riêng biệt thể hiện những tính cách, cuộc đời và số phận khác nhau nhưng lại đều có chiến công chung được người đời ghi tạc. Đây chính là giá trị nghệ thuật mang đậm tính nhân bản của Khu di tích Đền Cửa Ông.