Đền Thượng – Đền Cửa Ông Thờ Ai?

       Đền Thượng nằm trong quần thể di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông.

       Thờ thần chủ là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và gia thất cùng các tướng lĩnh của Ngài.

      Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (1252-1313). Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là con thứ 3 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng dân tộc.

      Trong lịch sử nghìn năm dựng nước, tại những vùng biên cương của Tổ quốc, các vương triều nước ta, luôn cắt cử những vị tướng tài ra trấn giữ. Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông thắng lợi rực rỡ lần thứ hai (1285), vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn càng nhận rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng biển đảo Đông Bắc. Đó cũng là lý do Trần Quốc Tảng, một vị tướng tài được cử ra trấn giữ vùng biên cương này.

      Sinh thời, khi định công dẹp giặc Nguyên, Trần Quốc Tảng được tiến phong làm Tiết độ sứ, chức quan võ rất to; con gái trưởng của ông được lập làm phi cho thái tử, sau trở thành hoàng hậu của vua Trần Anh Tông; sau khi mất, ông được truy tặng làm Thái uý (vương triều Trần chỉ có 5 người được phong chức này). Rồi việc ông được phong Đại vương – tước vị cao nhất dành cho tôn thất nhà Trần, sau khi ông không quản “tuổi cao, sức yếu” cầm quân dẹp cuộc phản loạn ở sách Sầm Tử cho thấy ông có một vị trí đặc biệt trong triều đình nhà Trần, từ đời vua Trần Anh Tông trở về sau…

      Sử sách có ghi Trần Quốc Tảng bị đày ra Tĩnh Bang vì tội bất trung, bất hiếu. Nguyên chỉ vì câu nói buột mồm khi đang họp, muốn nói sự mất đoàn kết trong nội tộc họ Trần – “Thù nhà chưa xong nói chi nợ nước”. Trong cuốn “Trần Triều Hiển thánh chính kinh tập biên”, in năm Thành Thái (1900) có chép như sau: “… Quốc Tuấn Công cho rằng con trai tính ưa cương dũng ấy không tuân theo đúng đạo làm con, bèn nổi giận lôi đình, đày ra Cửa Suất làm tuần ti xứ Tân Lương, huyện Yên Hưng, phủ Hải Ninh, lộ An Bang”.

      Thực ra, hành động của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đối với Trần Quốc Tảng, bắt đầu từ nguyên do sâu xa là nội bộ Hoàng tộc lục đục, bất hòa. Điển hình là Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn, ông nội Trần Quốc Tảng) mâu thuẫn với Thái sư Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông. Trong cuốn “Trần Triều thế phả hành trạng” đã chép việc đó, mà người phải hứng chịu chính là Trần Quốc Tảng như sau:”Khi An Sinh Vương (Trần Liễu), sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn và trăn trối rằng: Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt – Ý nói Quốc Tuấn phải cướp được ngôi của nhà Trần để trả thù Trần Liễu bị Trần Thủ Độ ép buộc người vợ kế của mình đang có mang lấy Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông, em ruột của Trần Liễu. Trần Liễu phẫn uất, chiêu tập binh mã nổi dậy bên bờ sông Cái, chống lại Trần Thủ độ, nhưng thất bại bị lột hết áo mũ. Quốc Tuấn để bụng, nhưng không bao giờ cho thế là phải”.

      Đến khi trở thành Quốc Công Tiết Chế, Tổng chỉ huy quân đội, nắm quyền tối cao, Quốc Tuấn đem lời cha dặn khi trước, hỏi ý kiến các tướng tâm phúc như: Yết Kiêu, Dã Tượng và con trai là Hưng Vũ Vương. Cả ba người đều ngăn cản, khiến Quốc Tuấn rất mát lòng. Một hôm, Quốc Tuấn đem câu trăng trối của cha hỏi Hưng Nhượng Vương

Trần Quốc Tảng, ông bèn nói: Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận cũng được thiên hạ. Quốc Tuấn nghe vậy bèn rút gương kể tội Trần Quốc Tảng: Kẻ làm

phản loạn là do ở đứa con bất hiếu, ý muốn giết Quốc Tảng. Hưng Vũ Vương nghe tin vội chạy đến kêu khóc xin cho Quốc Tảng, lúc đó Quốc Tuấn mới tha cho và bảo rằng: Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào.

      Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), quân Nguyên Mông xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Được tin đại quân do Trần Hưng Đạo phải đối phó với thế mạnh như chẻ tre của giặc, rút về Vạn Kiếp, Trần Quốc Tảng liền mang quân của mình từ trang ấp riêng tại An Sinh (Đông triều), cùng các cánh quân Hải Đông, Vân Trà, Bà Điểm hội binh, xin làm tiên phong đánh giặc. Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, Trần Quốc Tảng, là dũng tướng có công nên được nhà vua khen tặng cấp cho đất lập trang ấp tại Tĩnh Bang (Quảng Ninh). Sau này, ông hai lần được vua cắt cử ra Cửa Suốt trấn ải.

     Sau khi Hưng Nhượng Vương ra trấn giữ cửa Suốt, năm Trùng Hưng thứ tư (1288) quân Nguyên lại kéo quân sang xâm lược. Hưng Nhượng Vương xin triều đình lập công chuộc tội. Được chuẩn tấu, Hưng Nhượng Vương tiến quân, lập đồn ở Trắc Châu, huyện Thanh Lâm. Trải qua ba ngày đêm, ông đem quân đánh thẳng vào trại của quân Nguyên đóng ở sông Bạch Đằng và chiến thắng oanh liệt. Hưng Nhượng Vương về triều báo công, được vua Trần khen thưởng và phong làm Suất Ti-tuần Đại An, được cử ra Cửa Suốt tiếp tục trấn giữ.

       Như vậy, lần đầu bị tội mà Trần Quốc Tảng bị cha đày ra Cửa Suốt. Lần thứ 2, nhờ lập được công lớn, Trần Quốc Tảng lại được vua Trần cử ra Cửa Suốt trấn giữ. Hai lần trấn nhậm Cửa Suốt với hai tư thế, hai thể thức khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một trọng trách giữ gìn một nơi quan ải Đông Bắc. Từ những sự kiện trên một số nhà nghiên cứu nhận định “Cửa Suốt là khu vực trọng yếu mà lại rất xa, nếu Trần Quốc Tảng bất trung mà đuổi ra đây thì không xác tín, mà phải là rất tin tưởng mới cử ra, lại phải tài, đại tài nữa…”.

      Trong thời kỳ bình công, khen thưởng cuối năm 1288, Trần Quốc Tảng được sắc phong là Tiết độ Sứ. Từ năm 1288 đến khi qua đời, phần lớn thời gian Trần Quốc Tảng giành cho việc trấn giữ vùng Đông Bắc này của Tổ quốc. Do những công lao to lớn mà vua Trần Anh Tông (đồng thời cũng là con rể của Trần Quốc Tảng), phong tước hiệu cho ông là Hưng Nhượng Vương.

     Sách sử ghi lại những ngày cuối đời của Trần Quốc Tảng ở Cửa Suốt như sau: “Ông ra Cửa Suốt được ba ngày, tự nhiên trời mưa to, gió lớn, sấm sét nổ ầm ầm. Ông thấy một phiến đá to bèn ngồi lên. Ngay lúc đó sóng nổi cuồn cuộn, nước dâng lên rất cao. Phiến đá tự nổi trên mặt nước, Hưng Nhượng Vương hóa thân ở đó, vào ngày 16/8/1311. Một lúc sau mưa tịnh, gió lặng, dân chúng kéo đến xem, thấy trên phiến đá có một cái mũ đá, mũ đá trôi đi. Ngày 1/9 năm ấy, mũ đá trôi đến địa giới Hàm Giang, rồi đến bờ sông xã Trúc Châu (tên tục là Vườn Nhãn). Già trẻ, lớn, bé trong xã đang đêm hôm đó mộng thấy một người cân đai, áo mũ chỉnh tề, đứng ở đình làng bảo rằng: “Ta là Gia Tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về đóng nơi đồn cũ giữ yên dân, nước” . Hôm sau, dân chúng ra đình xem, thấy một tảng đá và một mũ đá bên bờ sông. Đo phiến đá được 5 thước 4 tấc, ngang 2 thuớc 3 tấc, có 5 màu huyền ảo như mây. Dân làm lễ đón mũ đá về lập miếu thờ và làm biểu tâu lên vua. Vua thấy Trần Quốc Tảng là người có công, lại linh ứng nên truyền cho lập miếu thờ và phong cho làm Thượng đẳng Phúc Thần, cho 800 quan tiền công hàng năm hai mùa cúng tế vào bậc Nhà nước.” Năm 1314, đúng một năm sau Trần Minh Tông lên ngôi, đã truy tặng Trần Quốc Tảng chức Thái úy.

      Nhân dân truyền tụng ca ngợi Trần Quốc Tảng như sau:

Đời Trần thị mở mang Nam Hải

Đức Đệ Tam dòng dõi kim chi,

Mấy phen giáp mã truy chùy,

Đã bình Phạm đảng lại đi phạt Sầm.

Phong Đại Vương an tâm thần chức

Lại đem câu yến dực ra bàn.

Nghĩa rằng đạo hiếu chu toàn.

Nào ngờ phải bước tiếng oan ở đời.

Dạ gang tấc khổ bày khúc trực

Để thanh thiên vằng vặc sáng soi.

Mấy năm tính kế cùng ai.

Đành rằng đem xuống Tuyền đài cho cam.

(Viết theo THẦN ĐỀN CỬA ÔNG )

      Nhờ ngăn được họa to, trừ được giặc lớn, có công với nước, có đức với dân nên Hưng Nhượng Vương đã được phong sắc và thờ tự tại nhiều nơi. Theo thống kê bước đầu có những nơi thờ tự ngài như sau:

– Đền Cửa Ông phường Cửa Ông thành phố Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh.

– Đình Trác Châu xã An Châu huyện nam Sách tỉnh Hải Dương.

– Miếu thờ thôn An Thủy xã Hiến Thành huyện Kinh Môn, Hải Dương.

– Đình miếu Dương Am huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

– Đình làng Tùy Hối, xã Gia Tân huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình.

– Chùa Đẩu làng Phúc Am thành phố Ninh Bình.

– Văn chỉ thôn Linh Khê xã Thanh Quan huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương.

– Đền Thái xã Trần Dương huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

      Không chỉ là thần chủ tại nhiều đình, đền trong cả nước, Hưng Nhượng Đại Vương còn được phối thờ với thân phụ Hưng Đạo Đại Vương ở nhiều nơi khác.

      Hiện nay một số sắc phong cho Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vẫn còn được lưu giữ tại đền Cửa Ông khẳng định công trạng của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng cũng như lịch sử hình thành, tồn tại của đền Cửa Ông

      + Sắc phong ngày 24 tháng 9 năm Tự Đức thứ 6 (1853): Sắc cho xã Cẩm Phả châu Tiên Yên tỉnh Quảng Yên từ xa xưa đã phụng thờ Trần Triều Đệ Tam Hưng Nhượng Đại Vương Chi Thần. Thần đã giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng. Nay trẫm nối ngôi báu nhớ đến công lao to lớn của thần vậy phong là : Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi Thần. Lại cho phép phụng thờ như xưa, thần hãy bảo hộ cho con dân của Trẫm. Kính cẩn!

      + Sắc phong ngày 14 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880): Sắc cho xã Cẩm Phả châu Tiên Yên tỉnh Quảng Yên từ xa xưa đã phụng thờ Trần Triều Đệ Tam Tiết Vị Độ Sứ Gia Phong Hưng Nhượng Đại Vương Bản Cảnh Thành Hoàng Chi Thần. Thần đã từng được cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Năm Tự Đức thứ 31, nhân đại lễ mừng Trẫm ngũ tuần vậy ban bảo chiếu ân lớn lễ trọng nâng bậc. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ như xưa để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng. Kính cẩn!

      Căn cứ vào Thần tích- Thần sắc làng Cẩm Phả, tổng Cẩm Phả, huyện Cẩm Phả tỉnh Quảng Yên chép vào năm 1938 viết : “Thần Thành hoàng Cẩm Phả là Trần Hưng Nhượng (tên huý) thường gọi là Đức Ông Cửa Suất. Ngài là con thứ ba của đức ông Trần Hưng Đạo (đời nhà Trần). Khi ấy giặc Mông Cổ sang tàn phá nước Nam, Ngài tuân mệnh Thân phụ đem quân ra trấn thủ ở Cửa Suất (Cam Pha port) đã nhiều phen làm cho quân giặc phải khốn đốn và lập nhiều công trạng… Hiện nay còn mộ Ngài ở đằng sau đền Cửa Suất trên núi (mộ xây gạch hình tròn, cao 30 phân tây, đường kính một thước tây). Ngài có 9 đạo sắc tất cả song khi nước Pháp mới sang bảo hộ, có lũ giặc cỏ bên Tầu đến tàn phá nên thất lạc mất năm đạo, nay còn 4 đạo.

      Thờ ngài ở đình xã Cẩm Phả và ở đền Cửa Suất. Nơi dựng đình nguyên xưa là rừng, nơi dựng đền Cửa Suất nguyên xưa là núi cây mọc um tùm. Đền Cửa Suất ngoài thờ cúng ra không làm gì nữa. Những nơi này cấm để mả, làm nhà, cấm giết súc vật.”

      Cũng theo thần tích này thì lăng mộ (lăng mộ mang tính tượng trưng) được xây bằng gạch hình tròn cao 30 phân tây, đường kính một thước tây. Hiện mộ đã được trùng tu lại, lát đá xung quanh. Phía trước có biển đề lăng mộ đức ông Trần Quốc Tảng. Phía sau có điện thờ nhỏ có bát hương và đôi câu đối: Ngọc cốt tàng linh địa; Chính khí tráng sơn hà (Xương cốt tàng linh địa. Chính khí tráng non sông).

      Ngoài thần tích, thần sắc ghi chép về Hưng Nhượng Vương Trần quốc Tảng và một số sắc phong còn lưu giữ được tại đền Cửa Ông thì tại đền Cửa Ông còn lưu giữ được bia đá, biển gỗ, hoành phi, câu đối mà qua đó ta xác định được thần chủ chính ở đền là Quốc Khảo Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, rất phù hợp với cách bài trí hiện tại của đền.