Đền Cửa Ông: đền nằm trên địa bàn phường Cửa Ông nên được gọi là đền Cửa Ông. Trong thời kỳ chống quân Nguyên, Trần Quốc Tảng được giao trấn thủ cửa biển Đông, sau khi ông mất nhân dân lập đền thờ, từ đó nhân dân và thuyền bè Bắc Nam qua lại cũng như quan quân chinh phạt đi qua cầu đảo đều linh ứng, do đó đền còn có tên gọi khác là “Đông Hải linh từ”. Nhân dân kính trọng và vinh danh ông là Đức Ông nên đền còn có tên gọi khác là đền Đức Ông.
Di tích đền Cửa Ông nằm trên dãy núi Cẩm Sơn, trên một địa thế phong thủy đắc địa, mặt hướng hải, tả thanh long, hữu bạch hổ, phía sau tựa núi tạo thành thế vững chắc cho cả công trình. Toàn bộ di tích đền Cửa Ông gồm 3 khu vực thờ tự: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Ta có thể hình dung tổng thể toàn bộ di tích đền Cửa Ông như sau:
Từ quốc lộ 18A, phía bên trái là Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả, phía bên phải là Cảng than Cửa Ông và phân xưởng Vận tải thuộc Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV, ta đi qua một đường tàu vào một con đường trải nhựa bên tay trái là khu vực khuôn viên cây xanh đền Cửa Ông, tại đây có tấm bia khắc chữ viết về nhân vật lịch sử Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, phía sau là một bức phù điêu bằng đá, khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, cây cảnh đẹp mắt. Đi tiếp qua khuôn viên này khoảng 300m ta đến đền Cửa Ông, đầu tiên là một cổng Nghi môn được xây mới rộng khoảng 12 m, được đắp, vẽ theo kiểu nghi môn truyền thống. Đi qua Nghi môn vào trong một khoảng sân rộng được lát đá. Bên tay phải là khu vực nhà vệ sinh cho khách du lịch, bên tay trái là khu vực đền Hạ. Đi qua khoảng sân rộng lên cao lưng crừng là khu vực đền Trung, phía sau đền Trung trên vị trí cao nhất là đền Thượng. Hai bên đền Trung và đền Thượng là hai gò đồi cao tạo thế tả thanh long, hữu bạch bổ, trên các gò đồi được trồng cây xanh, thảm cỏ trang trí. Trên đỉnh gò đồi bên phải là nơi đặt tượng Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Toàn bộ sân, bậc cấp và lan can lên xuống từ đền Hạ đến đền Trung và đền Thượng đều được làm bằng đá xanh, tạo sự thống nhất, hài hòa, bề thế cho cả khu vực di tích.