Hình Thức Quy Trình Thực Hành Lễ Hội Đền Cửa Ông

     * Hình Thức, Quy Trình Thực Hành Lễ Hội Đền Cửa Ông
     Từ khi được phục dựng vào năm 1996, đến nay lễ hội đền Cửa Ông vẫn được chính quyền và nhân dân địa phương duy trì và tổ chức theo nghi thức truyền thống, thống nhất, quy củ,… Quy mô lễ hội được tổ chức hợp lý phân theo các năm chẵn, năm lẻ, đảm bảo trang trọng, theo truyền thống, không lãng phí, phô trương, hình thức. Các quy trình thực hiện như sau:
     Khoảng mồng 2 tết hằng năm, vùng Cửa Ông đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhân dân qua lại, lên đền cầu cúng Đức Ông phù hộ độ trì cho một năm mới làm ăn phát đạt gặp nhiều điều lành và tai qua nạn khỏi,… Quang cảnh đền tấp nập từ đó cho đến ngày mồng 3 tháng 2 (âm lịch), từ nửa đêm đã là thời gian chuẩn bị mở hội. Trai gái thì sắm sanh, chuẩn bị từ sớm, những người cao tuổi, những phường hát xướng, những chiếu tổ tôm, tam cúc cũng đều đã chuẩn bị. Ai cũng mong đến ngày mở hội đền. Trai gái thì coi đây là dịp để thể hiện mình qua quần áo, cử chỉ giọng điệu. Các bậc cao niên thì lấy đó làm dịp bộc bạch tâm sự, giải tỏa tâm tịnh sang năm mới cho thanh thản, phấn khởi để làm ăn tấn tới,… đây cũng là thời điểm lượng du khách tới viếng thăm đông nhất.
     Một tuần lễ trước khi mở hội, nghi lễ mộc dục (tắm tượng) được các vị thủ nhang thực hiện. Các thủ từ tiến hành thu dọn các đồ thờ bằng đồng hạ xuống để bao sái và đánh rửa cho sáng nhưng vẫn giữ nguyên được nét cổ kính. Tượng thờ và các đồ thờ bằng gỗ được sử dụng những khăn sạch để lau chùi và thổi bụi. Sau đó tiến hành đun loại nước thơm ngũ vị hương và dùng khăn sạch để bao sái toàn bộ tượng thờ, đồ thờ và sắp xếp đúng vào vị trí được bài trí. Đây là nghi thức quan trọng do các vị thủ nhang thực hiện, người ngoài không được tham dự và vẫn còn được bảo lưu.
Trong thời gian này, Ban Tổ chức hội cũng hoàn tất và kiểm tra các khâu chuẩn bị cho ngày hội đền.
 Vào lúc 7 giờ ngày 3 tháng 2 (âm lịch), lễ khai mạc hội được tiến hành trên sân đền Thượng, thành phần dự lễ chủ yếu là người dân địa phương và khách du lịch. Sau bài diễn văn ngắn của ông Trưởng Ban tổ chức lễ hội, hồi trống khai hội vang lên. Dứt tiếng trống, vị chủ tế cùng các hộ giá làm lễ rước hòm sắc phong và linh vị (gồm mũ, hia, 2 thanh kiếm) của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng – Chủ Thần Đền lên kiệu trong tiếng nhạc lễ “Lưu thủy, kim tiền”.
     Trong lúc này đoàn rước đã đứng thành đội hình phía dưới chân đồi (chân đền Thượng), chia làm 20 đoàn, khoảng gần 1.000 người (có phụ lục trình tự đoàn rước kèm theo). Điểm đặc biệt trong lễ hội đền Cửa Ông là Lễ rước kiệu Đức Ông, đây là phần nghi lễ hết sức quan trọng và thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.
     Đoàn rước đi đến đâu, dân chúng hòa theo đến đấy. Cảnh tượng đám rước thật hoành tráng, bốn chiếc kiệu lớn sơn son thiếp vàng (Đi đầu là kiệu “Long đình” đặt hòm sắc thần, bình hương, hoa quả, Kiệu thứ hai là “Long kiệu” – Đây là kiệu đặt linh vị của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng gồm mũ, hia, 2 thanh kiếm, Kiệu thứ ba là “Kiệu Long Mẫu” đặt hòm sắc thần, bình hương, hoa quả và cuối cùng là “Kiệu võng” đặt khăn áo của Mẫu cùng cờ, hoa, tàn, lọng,… như trôi trên biển người màu rực rỡ, tiếng nhạc, tiếng chiêng, trống rộn ràng,… tạo nên tâm thế hội hết sức ấn tượng.
     Đoàn rước diễu hành qua phố chính phường Cửa Ông, trong quá trình di chuyển, đoàn có dừng chân tại một điểm (thường là điểm có khuôn viên rộng với ý nghĩa điểm dừng là nơi đóng trại trong tuyến “tuần du” vùng biển Đông Bắc của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng khi xưa). Tại đây, những người dự hội vừa được nghỉ ngơi sau hơn một giờ diễu hành (rước), vừa có không gian rộng để trình diễn cũng như được thưởng thức các cảnh diễn, các điệu nhạc, điệu múa dâng lễ, bày tỏ kính ý với vị chủ thần đền.
     Các hành động hội được thực hiện tại điểm dừng chân kéo dài khoảng một giờ ba mươi phút, gồm các tiết mục sau:
     – Các cụ hộ giá thắp hương vái lễ.
     – Đội sênh tiền cử hành bái lễ.
     – Đội múa trình bài dâng hoa.
     – Đoàn nghệ thuật Chèo Quảng Ninh trình diễn vở Dấu thiêng lưu tích (đây là hoạt động nằm ngoài nghi thức của lễ hội, được chính quyền và nhân dân địa phương họp bàn, đồng thuận và đưa vào những năm 2003 khi tiến hành phục dựng lễ hội, ý nghĩa giúp cho nhân dân và du khách tìm hiểu về thần tích, sự hiển linh của Đức Ông).
     – Đội múa rồng, lân, sư tử trình diễn, dâng lễ.
     – Các cụ hộ giá thắp hương vái lễ.
Sau đó là lễ rước Đức Ông hoàn cung đền Thượng. Lúc này chỉ còn đội hình rước chính. Phần đông những người dự hội đã trở lại khu vực đền Hạ và đền Thượng hoặc các khu dịch vụ để nghỉ ngơi chuẩn bị cho phần hội tiếp tục vào buổi chiều. Khoảng 12 giờ, linh vị, bài vị của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng được an bài tại đền Thượng, cuộc rước kết thúc.
     Buổi chiều ngày 3 tháng 2 (âm lịch), đội tế nam phường Cửa Ông tế tại đền Thượng. Cùng lúc các hội thi, trò diễn diễn ra tại nhiều nơi trong khuôn viên của Đền:
     – Tại sân lăng Đức Ông: thi chọi gà.
     – Tại sân nhà bia tưởng niệm: thi đấu cờ người.
     – Tại sân đền Hạ: múa rồng, lân, sư tử, thi đấu vật.
     Buổi tối: Tại khuôn viên di tích đoàn Chèo biểu diễn chương trình ca múa nhạc dân tộc phục vụ công chúng dự Hội.
     Nhìn chung, Ban Tổ chức hội đã sắp xếp chương trình một cách chặt chẽ, tất cả các nghi thức tế lễ, các trò chơi đều có quy định rất cụ thể và đều biến thành các cuộc thi. Thi tế giữa các đội tế, thi soạn lễ, thi thổi cơm, thi chọi gà, đẩy gậy, kéo co,…
     Sau đây là nghi thức tế:
     * Bài trí: có một hương án để đặt đồ lễ, 2 bên hàng chiếu có 2 bàn nhỏ, có vải phủ để đặt hương, rượu, trầu, cau.
     Trước mỗi bàn đều có một cây nến đốt sẵn, trước hương án trải 4 chiếc chiếu (tính từ hương án ra).
     – Chiếu thứ nhất là chiếu thần vị.
     – Chiếu thứ hai là chiếu chủ tế thụ lộc.
     – Chiếu thứ ba là chiếu chủ tế.
     – Chiếu thứ tư la chiếu bồi tế.
     Chiếu thứ nhất, chủ tế chỉ được đặt chân lên khi làm lễ, chiếu thứ hai chủ tế được bước chân lên khu thụ lộc.
     * Số người tế: 1 chủ tế, 2 bồi tế, 2 đông xướng và tây xướng, 8 chấp sự (có thể 10 hoặc 12 người). Chủ tế là người mang trọng trách lễ thần quan trọng nhất.
     * Trang phục: các vai tế mặc quần áo tế cổ truyền đã mô tả ở phần đội hình rước. Ban Tổ chức còn quy định các vai tế “không đeo vòng, cài trâm hoa, đeo yếm hoa,…” để nghi thức lễ được nghiêm túc. Các nhạc công cũng phải mặc đồng phục và ngồi ở vị trí được quy định.
     Nghi thức, trình tự tế được thực hiện gồm 33 bước, với ý nghĩa đề cao công đức các vị thần chủ, đồng thời cầu nguyện mọi sự tốt đẹp cho tất cả nhân dân du khách, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, biển nhiều tôm cá. Lễ tế do toàn thể Ban Quản lý đền, ban nhạc lễ cổ truyền và nhân dân tiến hành với các nghi thức gồm: dâng hương, dâng rượu ba lần, đọc văn tế, dâng bánh, dâng trà, với mỗi lần dâng lễ vật là bốn lần lạy thần vô cùng trang nghiêm, cuối cùng là đốt bài văn tế dâng cho thần (có Phụ lục kèm theo).
     Sau phần lễ thì bắt đầu từ buổi sáng ngày 4 tháng 2 (âm lịch) diễn ra phần hội.Từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa một loạt các cuộc thi trò chơi dân gian đồng thời diễn ra tại khu vực đền Thượng. Tại sân lăng đền Thượng: sân sau (ngay cạnh lăng) thi têm trầu; sân bên phải lăng thi thổi cơm; sân dưới thi giết gà, soạn lễ, khu nhà bia thi đẩy gậy, múa rồng lân,…
     Để phần hội thêm phong phú, sôi động trong không gian rộng (khoảng 18ha), những năm qua, Ban Quản lý di tích đến Cửa Ông đã tiến hành nghiên cứu, phục dựng lại tục đua thuyền biểu diễn trong lễ hội, trước đây đua thuyền được thực hiện phía trước khuôn viên của Đền (mép biển), nay do địa hình thay đổi, không đảm bảo an toàn cho việc đua thuyền trên biển, Ban Quản lý di tích quyết định tổ chức đua thuyền trên hồ Baza (gần vị trí đền Cửa Ông). Đua thuyền thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
     Trong các mùa Carnaval Hạ Long 2012, 2013 và 2014, Ban Quản lý di tích đền Cửa Ông thành lập đội (50 người) biểu diễn trích đoạn sân khấu hóa một phần lễ hội như: thi bắn cung, nỏ trên thuyền tái hiện cuộc tập trận của binh lính nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng.
     Ngoài ra, tại lễ hội, Ban Quản lý di tích còn phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật thành phố tổ chức một số hoạt động như: triển lãm ảnh nghệ thuật về lịch sử hình thành và phát triển đền Cửa Ông cũng như lễ hội đền Cửa Ông; hội thơ, hát dân ca,… Những yếu tố mới này góp phần làm lễ hội thêm phong phú, sôi động, nhưng vẫn thiếu nghệ thuật diễn xướng dân gian của vùng sông nước (hát giao duyên, hò biển,…) mặc dù với đặc trưng về vị trí địa lý, lễ hội đền Cửa Ông gắn liền với các nghi thức, tập tục gắn liền với sông nước,…
     Lễ hội kết thúc sau lễ giã đám vào lúc 16 giờ 30 ngày 4 tháng 2 tại sảnh lớn của đền Thượng.