Lịch Sử Chùa Cửa Ông (Chùa Cẩm Sơn)

     Chùa Cửa Ông nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên (chùa Cửa Ông nằm bên phải đền Thượng hiện nay). Chùa Cửa Ông trước kia còn có tên gọi khác là chùa Cẩm Sơn, chùa Nam Bắc.
     Năm Khải Định thứ nhất (1916) có Thanh đồng Nguyễn Đức Nam quê ở xã Nam Pháp tỉnh Kiến An (Hải Phòng) phát tâm công đức xây dựng một số hạng mục công trình trong đó có chùa Nam Bắc (chùa cẩm Sơn) để tu hành, sáng lập các ban, đầy đủ có thể kê cứu được, công đức lớn vô kể. Nhưng trong thời gian đó Thanh đồng lại qua đời, trải gió mưa vùi đập làm cho đền miếu hư hoại, lại có đệ tử Phạm Thị Tuyến tín tâm mộ đạo cùng tín thí thập phương hưng công trùng tu.
     Chùa Cửa Ông (chùa Cẩm Sơn) được bài trí Thờ Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Quan Âm Tống Tử, Tuệ Trung thượng sĩ, Đức Chúa Ông, Đức Thánh Hiền và hai ông Hộ Pháp như bao ngôi chùa truyền thống khác của Việt Nam.
     Chùa được xây dựng quay mặt về hướng Đông nhìn ra vịnh Cửa Lục. Chùa có kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh, xung quanh có hành lang mở. Móng xây cao rộng ra xung quanh và bó kê bằng đá để làm hành lang xung quanh chùa.
     Để lên chùa ta đi theo bậc tam cấp ở hai bên phía trước, qua một ngưỡng cửa để vào chùa. Chùa có 3 cửa vào kiểu bức bàn, mỗi cửa có 4 cánh, 2 gian bên hồi bưng vách bằng gỗ dưới là bản, trên trấn song. Phía ngoài có 6 cột quân được gắn 6 câu đối máng sơn son thếp vàng.
Mái chùa được làm kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái đao cong, phần diêm hai gian bên bưng vách, 3 gian giữa làm kiểu song thân trúc. Đỡ các đầu đao ở góc Tiền đường là hai cột trụ đá chạm chữ Hán cổ màu đen. Mái lợp ngói vẩy các bờ nóc, bờ chảy, bờ guột chạy chỉ trát vữa, gắn hàng hoa chanh truyền thống, hai đầu bờ nóc là hai đầu kìm, đầu đao cong vút đắp đầu rồng, phía trong là con nghê đang chạy ngược về mái.
     Tiền đường 3 gian hai chái.
     Cột làm kiểu thượng thu hạ thách. Đường kính cột cái 45cm, đường kính cột quân khoảng 30cm đều được đặt trên chân tảng bằng đá khối chạm hình con bích.
     Các vì nóc làm kiểu giá chiêng có 3 con rường kê lên nhau được cách bằng các đấu vuông thót đáy, phía dưới là câu đầu được chạm rồng, phượng, vân mây, sơn son thếp vàng trang trí, phía dưới vì nóc là đầu dư. Các con rường chạm lá cách điệu được sơn son thếp vàng.
     Từ xà trung lên là hệ thống ván lá gió phía dưới cao 30cm được xây bằng gạch, chạy một hàng xà phía trên, phía trên là ván lá gió kiểu trấn song tạo sự thông thoáng cho bên trong công trình, phía ngoài được nắp kính để chắn mưa.
     Gian thờ ở hai chái Tiền đường, cách nền khoảng 2m có xà ngang ăn mộng vào cột quân và cột cái để phía trên treo hoành phi kiểu cuốn thư. Phía sau các bức tường là các bức chạm hoa văn trang trí được sơn son thếp vàng: Phía sau tượng khuyến thiện chạm nổi cây mai, vân mây trang trí; phía sau tượng trừng ác là bức chạm hoa sen, cá chép và vân mây; phía sau tượng Đức Ông và Thánh Tăng là bức chạm hoa mai thếp vàng.
     Thượng điện: Các vì nóc, vì nách đều tạo kiểu và trang trí giống ở Tiền đường. Hai bên hồi Thượng điện có hai cửa nhỏ bằng gỗ hình vòm để đi ra ngoài. Từ các cột cái cách nền 2m đều có các xà ăn mộng ra các cột trốn đặt trên vách tường hồi, các xà này đầu đều chạm lá cách điệu được thếp vàng. Tường hồi sau Thượng điện là bức chạm cây bồ đề.