Tên Gọi Cửa Ông Bắt Nguồn Từ Đâu

 
     Đền Cửa Ông: đền nằm trên địa bàn phường Cửa Ông nên được gọi là đền Cửa Ông. Trong thời kỳ chống quân Nguyên, Trần Quốc Tảng được giao trấn thủ cửa biển Đông, sau khi ông mất nhân dân lập đền thờ, từ đó nhân dân và thuyền bè Bắc Nam qua lại cũng như quan quân chinh phạt đi qua cầu đảo đều linh ứng, do đó đền còn có tên gọi khác là “Đông Hải linh từ”. Nhân dân kính trọng và vinh danh ông là Đức Ông nên đền còn có tên gọi khác là đền Đức Ông.
   Đền Cửa Ông chia làm 3 khu vực thờ cúng đó là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng bởi các khu đền này nằm theo một trục từ thấp lên cao. Dưới cùng là đền Hạ, ở giữa là đền Trung, trên cùng là đền Thượng. Các vị thần được sắp xếp thờ cúng tại khu vực đền Hạ, đền Trung, đền Thượng cũng có ngôi vị, tầm quan trọng cao thấp tương ứng với tên gọi của đền.
Đầu thế kỷ XIX về trước, Cẩm Phả là một xã thuộc tổng Hà Môn, châu Tiên Yên. Từ năm 1884, Cẩm Phả nằm trong vùng đất chiếm đoạt của Công ty than Bắc Kỳ thuộc Pháp. Đến đầu thế kỷ XX, Cẩm Phả là một tổng thuộc huyện Hoành Bồ gồm 8 xã và phố. Năm 1936, Pháp lập châu Hà Tu (trong đó có tổng Cẩm Phả). Châu Hà Tu tách khỏi huyện Hoành Bồ trực thuộc tỉnh Quảng Yên. Năm 1940, bỏ châu Hà Tu lập châu Cẩm Phả. Châu Cẩm Phả gồm phần phía đông huyện Hoành Bồ, phần lớn huyện Ba Chẽ ngày nay và vẫn gồm cả đảo Cái Bầu (nay thuộc huyện Vân Đồn). Sau Cách mạng Tháng Tám, Cẩm Phả, Cửa Ông là hai thị xã trực thuộc khu đặc biệt Hòn Gai. Trong thời kháng chiến chống Pháp, hai thị xã Cẩm Phả, Cửa Ông hợp thành liên thị xã. Ngày 12/11/1956, thị xã Cẩm Phả chính thức được thành lập, trực thuộc khu Hồng Quảng, phường Cửa Ông thuộc thị xã Cẩm Phả. Năm 2012 thị xã Cẩm Phả được đổi thành thành phố Cẩm Phả.
                                 
Trong lịch sử, Cẩm Phả là vùng cửa ngõ hiểm yếu ghi dấu nhiều chiến công giữ nước. Các đoàn thuyền binh xâm lược từ phương bắc vào sông Bạch Đằng đều phải qua vùng biển Bái Tử Long – Hạ Long. Do đó nơi này gọi là Cửa Suất sau gọi là Cửa Suốt, sách Đồng Khánh dư địa chí chép: Biển Cửa Suất thuộc xã Cẩm Phả hai bờ là cát, núi rừng rậm rạp, phía trong có đảo Cập Tiên đứng sừng sững trong nước. Phía tây là biển Cửa Suất, phía đông là Biển Đông, gọi chung là Suất Hải. Thuỷ triều lên sâu 2 trượng 5 thước, thuỷ triều xuống sâu 2 trượng rộng 25 trượng.Qua thời gian, để cho dễ gọi nhân dân gọi thành Cửa Suốt.
   Theo cuốn Trần triều hiển thánh chính kinh tập biên biên soạn năm Thành Thái (1900), vị trí cửa bể Suất Ti tuần (tức Cửa Suốt) được xác định như sau: ”Cửa Suốt cách châu Tiên Yên 48 dặm về phía tây – nam, phía nam là núi đá, phía bắc kề bãi cát, từ đây đi ngược lên là châu Khe Lâm và bãi cát Cẩm Phả, trên bãi cát có đồn, phía Bắc đồn gọi là Vườn Nhãn”.
Cửa Suất án ngữ trên con đường giao thương thuỷ bộ rất quan trọng, cũng sách Đồng Khánh dư địa chí chép: Một đường thuỷ từ phủ lỵ ( Hải Ninh) ra cửa sông Hà Trương qua sông Tiên Yên đến Cửa Suất, đến núi Truyền Đăng, đi đến Cửa Lục. Một đường bộ từ phủ lỵ (Hải Ninh) đến Tiên Yên, Sơn Lập, Hà Gián, Cảm Phả, Dương Huy, Vũ Uy, Xích Thổ, Yên Thổ thông đến huyện lỵ Hoành Bồ đi chừng 5 ngày.
Cửa Suốt dưới thời Trần bao gồm toàn bộ phần đất liền thuộc châu Cẩm Phả thời đầu thực dân Pháp thống trị mà Cửa Ông, núi Cặp Tiên (nay thuộc xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) là một địa điểm nằm trong Cửa Suốt. Từ xưa con đường bộ đi qua Cửa Suốt là con đường độc đạo ra biên giới phía đông bắc và ngược lại. Cửa Suốt như cái yết hầu nối miền đông với miền Tây của tỉnh. Các cuộc chinh phạt, các cuộc điều binh của các triều đại phong kiến ra miền biên giới đông bắc đều đi qua Cửa Suốt.
     Dưới triều Lê và triều Nguyễn, Nhà nước phong kiến đã lập một đồn canh phòng ở Cửa Suốt gồm 30 lính và một suất đội. (Theo Đại Nam nhất thống chí, quyển XVIII). Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba, vùng duyên hải đông bắc từ Móng Cái đến Hải Phòng đã có thuỷ quân Trần, do Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư cầm đầu, phòng thủ, thì trên bộ, một vùng chiến lược, từ Cửa Suốt ra miền biên giới đông bắc, không thể để trống trận địa. Thuỷ quân của Trần Khánh Dư không thể cùng đồng thời vừa phòng thủ trên biển vừa phòng thủ trên bộ. Nhiệm vụ quan yếu đó Trần Hưng Đạo và vua Trần đã giao cho võ tướng tài danh Trần Quốc Tảng.
   Các đoàn thuyền binh xâm lược từ phương Bắc vào sông Bạch Đằng đều phải qua vùng biển Bái Tử Long – hạ Long. Nhiều lần, các toán giặc cướp tràn qua từ biên giới hoặc từ biển đổ bộ lên đã bị chặn đánh ở nơi này. Chiến công đánh đuổi giặc của Hoàng Cần và sứ mệnh trấn ải của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vẫn được tuyền tụng như những huyền thoại. Cửa Suốt trở thành cửa Đức Ông và về sau thành tên Cửa Ông là như vậy.