Tướng Quân Nguyễn Khoái

⛩️⛩️Nguyễn Khoái là vị tướng giỏi thời nhà Trần, người có nhiều chiến công hiển hách giúp Nhà Trần chống giặc Nguyên vào thế kỷ XIII. Tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông tướng Công Nguyễn Khoái được phối thờ tại hậu cung Đền Thượng – Đền Cửa Ông cùng với các tướng lĩnh và đông đủ gia thất nhà Trần.
Nguyễn Khoái quê ở Hồng Châu (Hải Dương), là người từ nhỏ đã có sức khỏe phi thường. Theo truyền thuyết có lần đi học về gặp hai con trâu đánh nhau, Nguyễn Khoái đã dũng cảm lao vào can ngăn bằng cách dùng hai tay nắm lấy sừng của hai con trâu đẩy ra hai phía. Trước sức mạnh của Ông cả hai trâu đều chịu cứng, lúc đó Ông hô người dùng các vật cản lao vào giữa làm cho hai con trâu hiếu chiến phải bỏ cuộc.

DCIM101MEDIADJI_0054.JP

Sau ông tòng quân, làm đến chức chỉ huy đội quân Thánh Dực chuyên bảo vệ vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 Ông cũng lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm (1282- 1285) đạo quân của Toa Đô sau khi đánh Chiêm Thành liền tiến ra Bắc phối hợp với cánh quân phía Bắc thành một gọng kìm nhằm đè bẹp quân và dân nhà Trần. Toa Đô hùng hổ tiến vào châu thổ sông Hồng. Triều đình đã lệnh cho các tướng như Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản và Ông đem 5 vạn quân đón đánh giặc ở Hàm Tử làm cho giặc thua đau, sau đó truy đuổi đến Tây Kết khiến cho Toa Đô bị suy yếu, tiêu hao lực lượng. Thắng lợi của hai trận chiến trên đã mở đầu cho các chiến thắng liên tiếp để đánh bại cuộc xâm lược của quân Nguyên lần thứ hai. Trong trận chiến này, vợ của ông đã hy sinh ở gần bến Nguyệt bên sông Mã, được dân chúng lập đền thờ.
Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ ba (1287 – 1288), Nguyễn Khoái tham gia trận chiến Bạch Đằng, đội quân do Nguyễn Khoái chỉ huy được Hưng Đạo Vương giao nhiệm vụ tấn công, chia cắt đội hình giặc. Bấy giờ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định trận đánh quyết chiến chiến lược ở sông Bạch Đằng. Đây là trận thủy chiến có quy mô lớn kết hợp mai phục và bao vây. Đội quân Thánh Dực của Nguyễn Khoái có nhiệm vụ chủ động tấn công chia cắt đội hình giặc làm cho chúng lúng túng tràn vào ổ mai phục của ta và Nguyễn Khoái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Nguyễn Khoái dẫn quân dũng nghĩa Thánh dực đánh nhau với giặc, bắt được Bình chương Áo Lỗ Xích (Ayuruychi). Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đại chiến. Quân ta bắt được hơn bốn trăm thuyền, thủy quân giặc bị giết, chết đuối và bị bắt nhiều vô kể, nước sông vì thế đỏ cả, toàn bộ đoàn thuyền của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt.
Một năm sau chiến thắng Bạch Đằng, vua Trần định công ban thưởng cho các tướng lĩnh có công đánh giặc, Nguyễn Khoái được ban tước “Liệt Hầu” là tước chỉ giành cho hoàng tộc. Ông còn được cấp hẳn một hương làm thực ấp, sau là hương Khoái Lộ, các thời sau gọi là Khoái Châu (thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay). Địa danh trên là quê hương và tên của Nguyễn Khoái được ghép lại. Đây là đặc ân vì Nguyễn Khoái là một trong số rất ít người không thuộc hàng quý tộc được hưởng đặc ân này.
Địa danh Khoái Châu còn đến ngày nay để ghi nhớ vị tướng kiệt xuất họ Nguyễn đã có công lao góp phần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, góp phần mang lại tự do cho dân tộc, độc lập cho Tổ quốc.