Tướng Quân yết kiêu

⛩️⛩️Yết Kiêu (1242-1303) là anh hùng chống giặc ngoại xâm vào đời nhà Trần, người có công giúp Nhà Trần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII với biệt tài thủy chiến. Ông là người bơi lặn giỏi, đã sử dụng tài của mình để đục thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông. Tại di tích Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông tướng Công Yết Kiêu được phối thờ tại hậu cung Đền Thượng – Đền Cửa Ông cùng với các tướng lĩnh và đông đủ gia thất nhà Trần.
Ông tên thật là Phạm Hữu Thế, con cụ Phạm Hữu Hiệu, quê tại làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Mẹ là cụ Vũ Thị Duyên quê làng Đồng Nổi (nay là làng Song Động, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Cha làm nghề chài lưới bên sông Quát, mẹ bán hàng nước ở bến đò.
Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về cuộc đời và những chiến tích của ông. Tuy nhiên cuộc sống bần hàn của một gia đình ngư dân nghèo khó đã khiến Phạm Hữu Thế rất vất vả, phải chài lưới, cào hến kiếm ăn ngay từ nhỏ. Cuộc sống trên sông nước đã khiến ông bơi lội rất giỏi.
Điều kỳ lạ đầu tiên xảy ra khi Yết Kiêu khoảng 16 tuổi. Tương truyền vào đêm thanh vắng, khi Yết Kiêu ra bến sông gánh nước, vừa đến bến, ông thấy đôi trâu trắng đang húc nhau chí tử. Thấy thế, ông liền cầm đòn gánh xông liền vào giãn hai con trâu ra (Nếu ông không can ngăn, chắc chắn sẽ có con chết, con bị thương…). Ông vừa can ngăn xong, hai con trâu liền chạy xuống sông và biến mất. Nhìn quanh không thấy, ông tiếp tục quẩy gánh xuống sông lấy nước. Để lấy được nước trong, ông dùng đòn gánh khua khua mặt nước như mọi lần. Lạ thay, khi chiếc đòn gánh vừa chạm xuống mặt nước, nước sông liền giãn ra hai bên. Thấy lạ, ông cầm chiếc đòn gánh lên xem thì thấy hai chiếc lông dính ở đầu đang tỏa ánh hào quang. Nghĩ đây là điềm lành nên ông nuốt hai chiếc lông trắng ấy vào bụng. Sau khi nuốt xong, ông đi xuống nước như đi ở trên cạn.

Vào thế kỷ 13, nước Đại Việt bị đế quốc Nguyên Mông xâm lược, cả dân tộc chìm trong cơn binh loạn, quân Nguyên tràn vào nước ta theo hai đường thủy-bộ. Triều đình nhà Trần cầu hiền tài trong thiên hạ ra giúp nước, chàng thanh niên Phạm Hữu Thế đã tòng quân. Từ chàng trai của vùng sông nước nghèo khó, với biệt tài của mình, Yết Kiêu đã trở thành vị tướng lừng danh của triều Trần, là cánh tay đắc lực không thể thiếu của Hưng Đạo Đại Vương trần Quốc Tuấn.
Nhiệm vụ của Ông là tìm cách đục thuyền của giặc trong đêm. Đục đến đâu, dùng giẻ nút lỗ đến đó rồi dùng dây nối các nút với nhau. Chờ quân giặc ngủ say, Yết Kiêu ra lệnh cho mọi người giật dây nút lỗ khoan thuyền địch, thuyền cứ thế mà chìm dần. Một đêm, Yết Kiêu đục được khoảng 30 thuyền giặc khiến kẻ thù khiếp sợ vì kế sách đó của ông.
Sau khi đất nước khải hoàn chiến thắng, vua Trần tổ chức lễ mừng công ban lộc, ban thưởng cho các tướng lĩnh có công diệt giặc. Yết Kiêu được vua phong : “Triều Trần Hữu Tướng Đệ Nhất Bộ Đô Soái Thủy Quân, tước Hầu”, được hưởng nhiều vinh hoa, phú quý. Nhưng ông không nhận. Ông tâu lên vua xin cho ấp Hạ Bì – nơi ông sinh ra, cho người dân làm nghề chài lưới trên sông ba thước đất hai bên bờ sông để người dân phơi chài lưới, không phải đóng thuế, hào lý địa phương không được ngáng trở. Vua khen ông biết lo cho dân và phê chuẩn.
Ông mất ngày 28 tháng chạp năm Ất Sửu (1303), hưởng thọ 61 tuổi. Khi ông mất, vua Trần cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì quê ông có tên là đền Quát. Khu đền đã trải qua hơn 700 năm tuổi và đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.