Trần Thì Kiến – Vị Quan Trần Triều Giỏi Dự Đoán Quẻ Kinh Dịch

 Trần Thì Kiến (12601330?) người làng Cự Xạ, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Ông là vị Quan  làm việc dưới thời Trần. Tại di tích lịch sử

Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông, ông được phối thờ trong hậu cung cùng với gia thất và các tướng lĩnh cùng thời.

Cùng với Phạm Ngũ lão, Trương Hán Siêu…Ông từng là môn khách của Trần Hưng Đạo và được Trần Hưng Đạo quý mến vì tài năng nên đã tiến cử với Vua Trần Nhân Tông, và được vua Trần Nhân Tông tin dùng. Ông được bổ nhiệm làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, sau đó sang phủ Yên Ninh. Thời đó chỉ những người được tin cậy đặc biệt mới giữ chức An phủ sứ Thiên Trường, nơi các vua Trần cho xây hành cung riêng và có thể sử dụng như kinh đô thứ hai khi cần thiết và chỉ những ai sau khi làm An phủ sứ Thiên Trường mới được thăng lên An phủ sứ Đại kinh sư. Như vậy, Trần Thì Kiến đã được sự tin cậy đặc biệt của cả nhà vua và triều đình.

Theo sử sách, ông là người nổi tiếng ở đức thanh liêm, công bằng và tài biện luận trong xử kiện và rất giỏi về khoa đoán quẻ Kinh dịch. Ông đã bốc quẻ và dự đoán đúng kết quả 2 trận chiến chống quân Nguyên. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi rõ việc này: “Trước đây, quân Nguyên vào cướp, vua sai Thì Kiến bói, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn, đoán là tốt. Mùa hạ năm sau, quân Nguyên đại bại, đúng như lời đoán. Mùa thu năm Trùng Hưng thứ 2, quân Nguyên lại vào cướp, vua lại sai bói, được quẻ Quan biến sàng quẻ Hoán, Thì Kiến đoán: “Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan”. Sau quân Nguyên đến sông Bạch Đằng, quả nhiên tan chạy. Vua khen tài của Kiến, cho nên có lệnh này”.

Ông đã kinh qua nhiều chức quan lớn như: như năm Nhâm Thìn (1292) được bổ chức An Phủ sứ lộ Yên Khang (nay là huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), sau đó ông được thăng chức Trị thiên trưởng. Tháng 4, năm Đinh Dậu (1297) giữ chức Đại an phủ sứ kiêm chức Kiểm pháp quan. Năm Mậu Tuất (1298) vua Trần Anh Tông bổ dụng ông làm Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu. Ba năm sau tức năm Tân Sửu (1301) ông được bổ chức Tham tri chính sự. Đến năm Ất Tỵ (1305) ông được bổ chức Tả bộc xạ (Tể tướng).