Kiến Trúc Khu Vực Đền Thượng Trong Khu Di Tích Lịch sử Quốc Gia Đặc Biệt Đền Cửa Ông

Kiến Trúc Khu Vực Đền Thượng Trong Khu Di Tích Lịch sử Quốc Gia Đặc Biệt Đền Cửa Ông

     Khu đền Thượng nằm chính giữa trên cùng cao nhất của khu di tích đền Cửa Ông. Nhìn tổng thể đi từ đền Trung lên đến sân đền Thượng, chính giữa là một phương đình, tiếp đến là đền Thượng, Hai bên đền Thượng: Bên hữu là nhà thờ Bác Hồ, bên tả là gian để đồ thờ. Bên phải nhà thờ Bác Hồ, sang một sân khác tại đây phía trước giáp nhà thờ Bác Hồ là một lầu chuông, phía sau nằm dọc là đền Quan Chánh, nằm vuông góc với đền Quan Chánh là chùa, phía trước chùa và đền Quan Chánh có một cây đa. Từ sân khu vực chùa và đền Quan Chánh có một cổng Tam quan đi xuống đền Thượng. Nằm ở bên trái đền Thượng và vuông góc với gian để đồ thờ là nhà sắp lễ (hình chữ L), từ đây có đường đi sang bên trái và đi vòng ra sau, lui về phía sau và nằm song song với đền Thượng là đền Quan Châu (thấp hơn đền Thượng), từ đây có các bậc cấp đi lên và đi ra phía sau đền Thượng. Phía sau đền Thượng là mộ và Lăng Trần quốc Tảng. Phía bên phải lăng mộ Trần Quốc Tảng có đường đi xuống nhà hóa sớ nằm sau chùa và từ đây đi theo sân bên hồi chùa để đi về phía trước chùa và đền Quan Chánh.

Các công trình chính tại khu vực đền Thượng như sau:

* Phương đình: Kiểu hai tầng, 8 mái chồng diêm. Toàn bộ Phương đình được xây cao xung quanh là bậc tam cấp, 4 góc là 4 trụ tròn sơn đỏ xung quanh cột vẽ rồng cuốn, phía trên có 2 xà ngang trên xà đắp lưỡng long chầu nhật và 2 bên là phượng bay trang trí thếp vàng,  phía trên trồng diêm mặt chính diện đắp nổi 2 chữ Hán cổ, 3 mặt còn lại là hệ thống ván lá gió. Trên khu dĩ đắp hổ phù. Các đầu đao đắp phượng vươn ngược về sau, phía trong là con nghê cưỡi lá. Trước phương đình là một non bộ phía trên đặt ông hổ, phía trước là một bát hương.

   * Đền Thượng: Đền quay hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu nội Công ngoại Quốc: Gồm 3 gian Tiền tế nối với 3 gian ống muống (nằm dọc) nối với 3 gian Hậu cung. Từ hai bên Ống muống có cửa đi ra hai bên là hành lang kéo dài từ sau Tiền tế tới giáp Hậu Cung tạo thành kiến trúc nội Công ngoại Quốc.

* Tiền tế: Từ sân lên 6 bậc cấp là đến hiên Tiền tế đền Thượng, đi qua một ngưỡng cửa và hệ thống cửa để vào đền. Hệ thống cửa gồm 3 cửa, mỗi cửa 4 cánh bức bàn, ngăn giữa các cửa là các cột quân bên ngoài treo đôi câu đối máng sơn son thếp vàng. Tiền tế gồm 3 gian.  Hệ thống vì, kèo, xà đều được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng.

Kích thước mặt bằng: Bước gian 1 gian giữa 3.1m, bước hai hai gian bên 2.6m, chái 1,01m. Bước cột giữa cột cái đến cột cái 2.1mm, giữa cột cái đến cột quân 1.5m. Chiều cao tới đỉnh mái là 4.63m từ nền đến đáy là thượng lương.

– Mái lợp bằng ngói mũi hài, bờ mái bờ chảy trát chỉ theo lối cổ truyền. Hai đầu bờ mái Tiền tế đắp kìm nóc. Diềm mái chạm hoa văn hồi, đầu bẩy được chạm nổi chữ phúc, được sơn màu đen.

– Nền lát ngạch Bát.

– Cột kiểu thượng thu hạ thách nằm trên hệ thống chân tảng bằng đá chạm hai lớp, lớp trên là hình tròn chạm nổi các cánh sen đặt trên chân đỡ hình vuông.

– Vì nóc kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, hai con rường dưới cùng nằm trên câu đầu là hai con rường cụt, chính giữa vì nóc để cách một khoảng 30cm, phía trên có 2 con rường kề lên nhau, đỡ giữa các con rường là đấu vuông thót đáy, toàn bộ  các con rường hai đầu đều được chạm nổi lá cách điệu mềm mại, thếp vàng trang trí, câu đầu chạm nổi, bong kênh rồng, phượng bay, rồng uốn lượn trong mây thân rồng có vẩy. Phía trên đỉnh vì nóc được treo hình lá nho thếp vàng rủ xuống. Đầu dư được chạm lá cách điệu uốn lượn thành hình đầu rồng, thếp vàng. Vì nóc bên hồi kiểu vì kèo chính giữa chạm nổi hổ phù ngậm chữ Thọ, phía dưới là nghé được chạm nổi lá cách điệu mềm mại và được thếp vàng trang trí.

– Vì nách gian giữa kiểu giá chiêng chồng rường, các con rường được chạm nổi lá cách điệu thếp vàng, phía dưới là nghé cũng được chạm nổi lá cách điệu mềm mại thếp vàng. Hai vì nách bên hồi kiểu bức cốn, xà nách chạm lá cách điệu, trên bức cốn chạm nổi, bong kênh trúc hóa rồng, mai cổ thụ… Mái sau gian giữa hai vì nách là hai bức cốn hình chữ nhật, xà phía dưới chạm nổi, bong kênh rồng cuộn trong mây, trên bức cốn chạm rồng phun thủy, phượng bay, cuốn thư, vân mây, tất cả đường nét được chạm trổ khéo léo tạo thành một bức tranh sống động cho bức cốn.

– Hệ thống xà hạ, xà trung, xà thương: Xà hạ ăn mộng từ các cột quân chạy xung quanh Tiên tế. Xà hạ phía trước được đặt trên hệ thống cửa, xà hạ phía sau được đặt trên tường. Từ hệ thống xà hạ lại có các cột trốn đưa lên ăn mộng đỡ xà nách. Từ đây có vách gỗ chạy xung quanh trên xà hạ được chạm hoa văn trang trí, phía trên giật cấp vào khoảng 50cm lợp mái ở trên, tiếp đến là hệ thống xà trung chạy xung quanh, trên xà là một vách dạy dọc theo xà chạm đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá trang trí, tiếp theo đến hệ thống ván lá gió tạo sự thông thoáng cho không gian trong đền. Gian chính giữa cột cái cao hơn các gian bên khoảng 2m tạo thành chồng diêm phía trên.

Phía sau các ban thờ đều đặt các bức vách bằng gỗ chạm trổ công phu, tỉ mỉ các đề tài hạc, tùng, vân mây, hoa cúc, lưỡng long chầu nhật được sơn son thếp vàng để trang trí.

* Ống muống: Gồm 2 gian nằm dọc. Cao hơn Tiền tế 1,2m, đi từ Tiền tế hai bên gian giữa có hệ thống bậc ngũ cấp lên ống muống, hai bên có hai cánh cửa kiểu thượng chữ Phúc hạ bản, chính giữa là vách ngăn Tiền tế và ống muống, phía trên bức vách chạm thủng 2 mặt gắn bong kênh cửu long chầu nhật, rồng có 3 móng đuôi uốn tròn, mắt lồi, trán sư tử… đang tư thế vờn trong mây; phía dưới chia làm 4 ô chạm mai hóa rồng.

– Hệ thống cột kiểu thượng thu hạ thách bằng gỗ sơn đỏ nằm trên hệ thống chân tảng bằng đá chạm hai lớp, lớp trên là hình tròn chạm nổi các cánh sen đặt trên chân đỡ hình vuông.

– Vì nóc kiểu giá chiêng trồng rường con nhị, đầu các con rường chạm hoa văn vân mây, sóng nước được thếp vàng, phía dưới là đầu dư được chạm kiểu đầu rồng, thân có vẩy bay lên, miệng ngậm ngọc.

– Vì nách kiểu bức cốn chạm nổi, bong kênh trúc hóa rồng, thếp vàng.

– Hai bên hồi bưng vách bằng gạch chỉ trát vữa, sơn vàng. Hai bên có 2 cửa vòm rộng khoảng 80cm mở ra 2 cánh kiểu bức bàn để đi ra hành lang. Hai hành lang này được đổ trần bê tông, tường xây gạch chỉ trát vữa, sơn vàng. Từ hai hành lang lại có cổng đi ra hai bên hồi của đền Thượng.

* Hậu cung: Hậu cung cao hơn ống muống khoảng 30cm, từ ống muống đi vào Hậu cung bằng hai cửa hai bên, kiểu cửa bức bàn hai cánh nhỏ, ở giữa là bức vách chạm nổi hoa văn rồng mây mềm mại, nền màu đỏ, hoa văn thếp vàng. Phía trên là ván lá gió bằng các song trúc. Trên nữa là vì nóc kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Hai bên vì nách kiểu bức cốn chạm nổi, bong kênh trúc hóa rồng. Trên hai bộ vì nóc ở giữa xây một bộ vì bằng gạch trát vữa, phía trên có đặt một bộ vì bằng gỗ kiểu vì kèo.

Xung quanh tường bao che xây gạch bên ngoài; bên trong, sau các ban thờ là vách bằng gỗ sơn đỏ chạm nổi rồng mây thếp vàng.

– Mái lợp bằng ngói mũi hài.  Bờ nóc, bờ chảy trát chỉ giật cấp. Hai đầu bờ mái  đắp kìm nóc. Trồng diêm kiểu 4 mái đao dâng cao.

– Nền lát gạch Bát.

– Hệ thống cột kiểu thượng thu hạ thách. Cột cái đường kính khoảng 45cm, cột quân đường kính khoảng 30cm. 4 cột cái và cột quân giáp tường hồi có kích thước bé hơn, cột cái khoảng 30cm, cột quân đường kính chỉ khoảng 25cm. Các cột được đặt trên hệ thống chân tảng bằng đá, lớp trên chạm hình cánh sen, đặt trên lớp dưới là hình vuông.

Tường hồi hai bên ống muống và Hậu cung có niên đại từ thế kỷ 19, rêu phong, cổ kính xây kiểu giả tam quan, mái đao. Có hai cánh cửa được đắp giả, một cánh là cửa thật chính là cánh cửa từ ống muống ra hành lang và từ hành  lang đi ra bên ngoài. Hai bên các cánh đều đắp cột trụ biểu. Hai cột bên ngoài của Tam quan được đắp cao hơn, các cột trụ bên trong, trong thân trụ đắp hoa dây trang trí, phần lồng đèn đắp nổi nghê. Trên đỉnh trụ là 2 con nghê chầu vào giữa cửa. Phía trên cửa chính giữa đắp hình rồng vờn trong mây. Phía trên đỉnh mái đắp hình mặt trời, 2 cửa 2 bên phía trên đắp ô vuông xung quanh đắp lá cách điệu, chính giữa đắp đỉnh và 2 bình hoa trang trí. Cách giữa các cửa và cột trụ biểu là các mảng tường xây trát, đắp nổi bong kênh phượng sải cánh mềm mại, uyển chuyển. Trên hai cửa bên trái xây giật ngũ cấp, đắp nổi đường viền, cửa bên phải (nhìn từ ngoài vào) xây vòm phía trên, đắp viền trang trí. Phía dưới cửa ở giữa có 1 sập thờ chân quỳ xây bằng xi măng.

    Lăng mộ Trần Quốc Tảng: Lăng được xây kiểu phương đình, hai tầng, 8 mái, bưng vách bằng gỗ, phía trước hai bên gắn hai câu đối máng sơn son thếp vàng, phía trên là một cửa võng được sơn son thếp vàng trang trí. Mái lợp ngói vẩy, xung quanh lăng mộ có các cây kê, cây đa cổ thụ che bóng mát, tạo sự u tịch, yên tĩnh, cổ kính cho khu lăng mộ. Khu lăng mộ có nền cao hơn sân xung quanh 80cm, xung quanh xây lan can bằng đá, chạm nổi hoa văn tứ linh, tứ quý trang trí, 4 góc để 4 khoảng trống làm cửa lên xuống sân sau đền Thượng. Phía trước Lăng là mộ Trần Quốc Tảng. Được xây kiểu tháp 1 tầng trát trơn, chạy chỉ trang trí, 4 mái đao cong vút, trên đỉnh mái tạo hình như nụ sen. Trước mộ gắn biển tên

     Nhà thờ Bác Hồ và nhà để hiện vât: Hai nhà song song nằm áp hai bên của Tiền Tế đền Thượng, cửa vào của nhà thờ Bác Hồ và nhà để hiện vật được mở đi vào từ hiên của đền Thượng. Nhìn mặt trước đền Thượng giống như 2 gian thò của Tiền tế đền Thượng. Hai nhà trên xây kiểu tường hồi bít đốc, hai hồi bên giáp với hiên đền Thượng là hai cột trụ biểu phần thân đắp nổi ba mặt câu đối màu đen, trên có lồng đèn, trên đỉnh đắp phượng cánh lật, hai bên tường hồi là cửa sổ ô thoáng hình chữ Phúc trên đổ mái đua ra ngoài đầu đao 2 góc, trên lợp ngói vẩy để che mưa hắt vào. Mái trên lợp ngói vẩy, đầu bờ nóc đắp đấu nắm cơm. Bên trong mái đổ bê tông bằng, vách tường bao kín  bằng gạch chỉ trát vữa sơn vàng không có cột kèo.